Nông trường thông minh tại Hội An
Tháng 4 vừa qua, Vineco - thành viên của Vingroup vừa đưa vào vận hành nông trường VinEco rộng 20 ha tại trung tâm quần thể Vinpearl Nam Hội An (Quảng Nam). Nôi trường quy hoạch thành từng khu vực chuyên biệt sử dụng các công nghệ canh tác hiện đại, thông minh như: nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (Israel)…
Nổi bật là mô hình thủy canh giá thể nhiều tầng Sky Green lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với những tính năng như tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm diện tích… Hệ thống gồm 60 tháp trồng có chiều cao khác nhau từ 3m, 6m đến 9m được phân bổ tại các vị trí phù hợp.
Theo đại diện Vineco, nhờ tối ưu diện tích và năng suất, mô hình này đang được áp dụng tại các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Australia, châu Âu, Mỹ...
Sản phẩm canh tác của nông trường là các loại rau ăn lá, rau gia vị, rau ăn quả, trái cây như: dâu tây, dừa xiêm lùn, lựu đỏ, xoài Thái, xoài Đài Loan, xoài Australia, chà là, táo vàng…
Ngoài cung cấp các loại rau củ quả sạch, định hướng của VinEco là biến nông trường này trở thành điểm du lịch sinh thái cho các du khách khi đến với quần thể Vinpearl Nam Hội An cùng với khu vui chơi giải trí Vinpearl Land; công viên bảo tồn động vật bán hoang dã du khảo bằng đường thủy đầu tiên tại Việt Nam River Safari.
Sau 3 năm dấn thân vào nông nghiệp, VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 15 nông trường với tổng diện tích sản xuất gần 3.000 ha với nhiều phương pháp canh tác công nghệ nông nghiệp cao. Hiện mỗi tháng đơn vị này cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn nông sản với đa dạng chủng loại như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây.
Chuỗi cung ứng khép kín công nghệ cao tại Nghệ An
Tập đoàn TH là một trong số ông lớn tiên phong áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngay từ mới thành lập, doanh nghiệp này định hướng xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và lấy công nghệ cao làm "chìa khóa vàng" để chinh phục nền nông nghiệp sạch.
Năm 2009, trang trại nuôi bò và nhà máy chế biến sữa đầu tiên của TH có mặt tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Đây là hệ thống chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến ly sữa tươi sạch, cung cấp cho người tiêu dùng. Tập đoàn đã đầu tư vùng nguyên liệu riêng rộng 37.000 hecta, đảm bảo cung cấp cho đàn bò nguồn thức ăn đạt chuẩn.
Theo tập đoàn, quy trình chăm sóc, kiểm tra sức khỏe và vắt sữa đàn bò 45.000 con được chọn lọc về cả gen, giống để có nguồn sữa đạt tiêu chuẩn. Khâu cuối cùng là hệ thống phân phối rộng khắp với những chuỗi cửa hàng TH True Mart.
Năm 2013, chuỗi cung ứng khép kín này tiếp tục được TH áp dụng khi phát triển mô hình sản xuất rau theo hướng hữu, với thương hiệu FVF. Trong trang trại rộng 300ha ở Nghệ An và 200ha ở Đà Lạt, tập đoàn chủ động từ giống, quy trình canh tác tới chuỗi cửa hàng phân phối tại Nghệ An và các thành phố lớn.
Mô hình sản xuất rau theo hướng 5 không gồm không phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất diệt cỏ, biến đổi gen và có vùng đệm cho sản xuất. Trang trại tận dụng chất thải trồng trọt và phân động vật làm phân bón, kết hợp canh tác cơ giới để tăng hiệu quả, kiểm soát cỏ dại, sâu bệnh.
Tháng 12/2015, 37 sản phẩm rau củ từ trang trại FVF được nhận chứng chỉ về canh tác hữu cơ của Mỹ là USDA-NOP và của EU là EC 834/2007 do tổ chức Control Union cấp. Theo đại diện TH, việc áp dụng công nghệ cao góp phần tối ưu hiệu quả sản xuất ở quy mô lớn.
Tháng 2/2017, doanh nghiệp này tiếp tục khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình. Với quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng và diện tích sản xuất khoảng 3.000 ha, tập đoàn này dự kiến sẽ phát triển các sản phẩm là rau, củ, quả và lúa cho sản xuất dầu gạo theo tiêu chuẩn GlobalGap và hướng hữu cơ.
Nuôi bò công nghệ 5 sao ở Thanh Hóa
Hồi tháng 4, Vinamilk khánh thành trang trại bò sữa số 1 thuộc tổ hợp 3.000 tỷ đồng nuôi bò sữa công nghệ cao tại huyện Yên Định, Thanh Hóa.
Nông trại của Vinamilk đáp ứng thành công 4 triết lý trong ngành công nghiệp nuôi bò sữa, gồm: bò ăn ngon ngủ tốt và sản xuất nhiều sữa; sản xuất nhiều lứa kế tiếp; bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng xung quanh trang trại.
Theo đại diện công ty, với hệ thống CowScout, mỗi chú bò sẽ được đeo một chiếc vòng theo dõi có mã số riêng để đánh giá tình hình sức khỏe trong 10 ngày. Tương tự, các chú bê con ngoài sử dụng máy uống sữa tự động, mỗi con được gắn một chiếc thẻ hoặc vòng cổ có mã ID ghi chép thói quen ăn uống, lưu trữ dữ liệu và ngay lập tức báo cáo nếu có điều bất thường.
"Lần đầu tiên ở Việt Nam có một hệ thống robot vun, đẩy thức ăn tự động, nhờ đó, đàn bò luôn bảo đảm có ăn thức ăn tươi, mới, đầy đủ dinh dưỡng bất cứ thời điểm nào trong ngày", lãnh đạo Vinamilk cho hay.
Công việc vắt sữa tại trang trại được thực hiện trên hệ thống tự động hoàn toàn khép kín, sữa tươi được chọn lọc và vận chuyển trên đường ống chuyên dụng với nhiệt độ được làm lạnh đến 2-4 độ C. Tổng thời gian từ khi vắt sữa, bảo quản về đến nhà máy chế biến sản xuất đều không quá 24h, đảm bảo chất lượng thơm ngon cho nguồn sữa tươi nguyên liệu, không chất bảo quản.
Doanh nghiệp này cho hay, toàn bộ chất thải được thu gom, xử lý qua nhiều công đoạn, vận chuyển đến các khu vực an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường. Phần lớn chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn được tái sử dụng cho các hoạt động của trang trại, giảm tiêu thụ năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác.
Công ty cho biết, từ nay đến năm 2020, lần lượt 4 trang trại khác trong tổ hợp sẽ được hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp sở hữu thống 9 Trang trại được chứng nhận đạt chuẩn Quốc tế trải dài khắp Việt Nam. Đây cũng là hệ thống trang trại GLOBAL GAP lớn nhất Việt Nam, cũng như Đông Nam Á.
Trại gà "sang" xuất đi Nhật Bản ở Bình Phước
Hồi tháng 9 năm ngoái, gần 400 thịt gà xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Số gà này được nuôi tại trang trại của Tập đoàn Hùng Nhơn - một trong số doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống trang trại công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap tại tỉnh Bình Phước.
Theo đó, để liên kết thành chuỗi, doanh nghiệp này hợp tác với Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) cung cấp thức ăn; Công ty Cổ phần Bel Gà (Bỉ) bán giống; và Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) thu mua, giết mổ và xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi liên kết này tạo nên một dây chuyền khép kín sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, theo chất lượng của thị trường Nhật Bản.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống thiết bị máy móc hiện đại của Tập đoàn Big Dutchman (Đức) cho 28 trại chăn nuôi, tạo ra hệ thống chuồng trại gà lạnh khép kín, tự động hóa… Nhờ ứng dụng "Quản lý trang trại và truy xuất nguồn gốc", quy trình nuôi trồng được số hóa toàn bộ hoạt động; truy xuất nguồn gốc nhà cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Hùng Nhơn đã trở thành một tập đoàn với nhiều lĩnh vực kinh doanh. Riêng với gà thịt, tập đoàn có 20 trang trại quy mô 20 hecta cung cấp ra thị trường 3 triệu con một năm; 8 trại gà đẻ trứng rộng 7 hecta bán ra thị trường 130 triệu quả trứng một năm.
Doanh nghiệp đang thực hiện quy trình sản xuất chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi từ con giống, thức ăn, mô hình chăn nuôi cho đến chế biến giết mổ, nhằm cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn và ổn định cho người chăn nuôi.